Từ cái “gốc” của quản trị con người

Nhiều năm trước, có một câu nói nổi tiếng trong một tác phẩm được nhiều người biết đến, từng khiến nhiều thế hệ người Việt Nam “dậy sóng” và coi đó là nguồn cảm hứng sống của mình: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”. Nhưng ít ai biết rằng, chuyện “sống sao cho khỏi hoài phí” đó không chỉ là câu chuyện về lý tưởng của riêng mỗi người chỉ có trong các tác phẩm văn chương. Đó còn là một khoa học về quản trị, và việc hiểu về chuyên ngành “quản trị cuộc đời” này quan trọng đến mức có thể nói rằng: Bạn sẽ chưa thể vỗ ngực xưng danh tôi là nhà quản trị con người giỏi, chừng nào mà bạn còn chưa biết cách giúp cho người khác tự quản trị lấy đời mình.

Tại sao lại như vậy?

Peter Drucker, người được xem là “cha đẻ” khoa học quản trị hiện đại của thế giới (Father of Modern Management), và cũng là người khởi xướng chuyên ngành “Quản trị cuộc đời” (theo cách gọi của ông là “Managing oneself”) đã từng viết: “Thành công trong nền kinh tế tri thức chỉ đến với những ai hiểu rõ bản thân mình - điểm mạnh của họ là gì, giá trị của họ nằm ở đâu, và bằng cách nào họ sẽ làm việc tốt nhất”. Từ đó có thể suy rộng ra, một tổ chức chỉ có khả năng gặt hái được thành công khi tổ chức đó có những con người biết rõ bản thân mình, vai trò của mình trong tổ chức, cũng như cách thức để tạo ra giá trị cao nhất cho tổ chức của mình.

Ai cũng muốn mình thành công, hạnh phúc và yêu đời như vậy. Nhà quản trị nào cũng muốn có một đội ngũ với những con người như thế, vừa hiệu quả, vừa nhân văn và luôn tràn đầy sức sống. Nhưng có một sự thật là, việc đưa bản thân bứt ra khỏi trạng thái “làng nhàng” hay đưa tổ chức thoát ra khỏi tình trạng “thiếu sinh khí” là việc không dễ chút nào.

Một phần nguyên nhân là do các giải pháp đào tạo nhân viên áp dụng trong doanh nghiệp thường thiên về kỹ năng và tác nghiệp, thuộc về “phần ngọn”, mà chưa chạm đến “phần gốc” sâu xa hơn là “làm sao để sống đúng đời và làm đúng việc”. Giống như cuộc đối thoại giữa Alice và chú mèo trong câu chuyện “Cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên” của văn hào Lewis Carrol: Alice hỏi con mèo: Tớ đi đường nào bây giờ? Con mèo trả lời: Điều đó tùy thuộc vào việc cậu muốn đến đâu chứ? Alice đáp lại: Tớ thật sự chẳng quan tâm lắm về cái nơi mà mình muốn đến. Con mèo: Thế thì cậu cũng không cần quan tâm là nên đi đường nào! Một khi mà cậu đã không quan tâm đến cái nơi mà mình tới thì đi đường nào mà chẳng được!

Quả thật, chẳng phải con mèo chịu thua trong việc chỉ đường cho Alice, mà ngay cả những người thông thái nhất cũng đành lắc đầu khi phải chỉ đường cho một người mà không hề biết rõ đích đến của mình là nơi đâu! Cũng như tổ chức chỉ có thể đào tạo một người trở nên hiệu quả và làm việc hết mình, khi bản thân người đó trước hết phải có khao khát và mong muốn “sống đúng đời và làm đúng việc” đã!

Nhiều tổ chức cố gắng bù đắp sự thiếu hụt này bằng cách xây dựng một văn hóa doanh nghiệp với những giá trị cốt lõi của riêng mình, nhưng văn hóa đó vẫn chưa “ngấm” vào trong tâm thức và hành xử của đội ngũ như mong muốn. Đó là vì khi mỗi cá nhân vẫn còn đang loay hoay chưa biết đâu là văn hóa bản sắc của riêng mình, thì văn hóa tổ chức cũng khó mà có “đất” để phát huy tác dụng.

Đến chương trình “Quản trị cuộc đời”

Trước năm 2006, khái niệm “Quản trị cuộc đời” còn rất xa lạ và hầu như chưa được biết đến tại Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ khi AIC SCHOOL khởi xướng và triển khai chương trình “Quản trị cuộc đời” lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2007, thì khái niệm “Quản trị cuộc đời” cũng như chương trình “Quản trị cuộc đời” dần được biết đến, quan tâm và ngày nay đã trở nên khá phổ biến trên khắp cả nước.

Mục tiêu chính của chương trình này là góp phần giúp người học biết cách khai phóng bản thân và tìm ra chính mình (hay tìm lại được chính mình), từ đó biết cách “cải cách chính mình”, “làm mới chính mình”, “làm ra chính mình” và đồng thời “tối đa hóa giá trị của mình” (kể cả người chưa thành công và những người đã rất thành công). Chương trình cũng đặc biệt cần thiết với những ai có mong muốn “tái cấu trúc” cuộc đời và sự nghiệp của mình, cũng như những ai tự tin rằng mình có tài năng, có khát vọng vươn lên và có mong muốn biết cách tối đa hóa giá trị cuộc đời mình, để từ đó có được một cuộc đời đáng sống hơn (đáng sống theo cách hiểu của mình), và đồng thời cách sống đó được sự tôn trọng của những người hiểu biết.

Dưới góc nhìn quản trị, có thể xem chương trình này là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các nhà lãnh đạo, nhà quản trị trong hành trình quản trị đội ngũ và xây dựng văn hóa doanh nghiệp, như một câu châm ngôn: “Công việc của lãnh đạo là tạo ra người hùng, chứ không phải là trở thành người hùng”. Vì một khi mỗi cá nhân trong tổ chức được tạo động lực để có thể trở thành “người hùng” của chính bản thân mình, đó là khi tổ chức sẽ trở nên đầy sức sống và gặt hái được những thành công vượt trội.